Tin tức đời sống 25/05/2025 11:14

NÓNG: 83% mẫu COVID-19 tại TP HCM là biến chủng mới NB.1.8.1

NÓNG: 83% mẫu COVID-19 tại TP HCM là biến chủng mới NB.1.8.1

Biến chủng phụ NB.1.8.1 hiện đang lưu hành tại nhiều quốc gia, chiếm 83% trong số các mẫu bệnh phẩm COVID-19 tại TP HCM được giải trình tự gen gần đây.

Báo Người Lao Động ngày 24/05/2025 đưa thông tin với tiêu đề: "NÓNG: 83% mẫu COVID-19 tại TP HCM là biến chủng mới NB.1.8.1" cùng nội dung như sau:

Biến chủng phụ NB.1.8.1 hiện đang lưu hành tại nhiều quốc gia, chiếm 83% trong số các mẫu bệnh phẩm COVID-19 tại TP HCM được giải trình tự gen gần đây. Biến chủng phụ XBB xuất hiện ở TP.HCM có độc lực, lây lan ra sao? Hà Nội xuất hiện 3 ca mắc COVID-19 biến chủng Omicron BA.5

Tối 24-5, Sở Y tế TP HCM cho biết thông tin trên sau khi có kết quả giải trình tự gien do Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM phối hợp với Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) thực hiện. 

Kết quả giải trình tự gien cho thấy 83% bệnh nhân là chủng lần đầu được ghi nhận tại TP HCM

Theo Sở Y tế TP HCM, trong tuần thứ 3 của tháng 5-2025, các đơn vị đã tiến hành giải mã trình tự gien của một số bệnh nhân có chẩn đoán lâm sàng COVID-19 nhập viện. Kết quả, biến chủng NB.1.8.1 được phát hiện ở 83% mẫu bệnh phẩm COVID-19. 

Sở Y tế cho biết NB.1.8.1 là một biến thể phụ của XDV.1 biến chủng có nguồn gốc từ sự tái tổ hợp giữa hai biến thể JN.1 và XDE. Biến chủng này được ghi nhận lần đầu vào đầu năm 2025 và đến nay đã xuất hiện tại ít nhất 22 quốc gia, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Singapore… 

Tuy đang dần trở thành biến chủng chiếm ưu thế tại một số quốc gia, như Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Mỹ, nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa xếp NB.1.8.1 vào nhóm biến chủng nguy cơ. Cụ thể gồm: VUM (biến chủng cần theo dõi), VOI (biến chủng cần quan tâm) hay VOC (biến chủng đáng lo ngại). Các dữ liệu hiện tại cũng chưa cho thấy NB.1.8.1 có khả năng lây lan nhanh hơn hay gây bệnh nặng hơn so với các biến thể đã lưu hành trước đây.

Trước diễn biến mới, ngày 21-5, Sở Y tế TP HCM đã ban hành công văn về việc chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế – từ dự phòng đến điều trị – luôn trong tư thế sẵn sàng ứng phó, thu dung, điều trị hiệu quả, phát hiện sớm ca chuyển nặng để xử lý kịp thời, hạn chế tối đa nguy cơ tử vong. Đặc biệt, các đơn vị cần tiếp tục bảo vệ nhóm nguy cơ cao, bao gồm người lớn tuổi, người có bệnh nền, người chưa tiêm đủ vắc-xin.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) được giao tiếp tục phối hợp chặt chẽ với OUCRU để giám sát tình hình dịch tễ, đánh giá nguy cơ, từ đó kịp thời đưa ra các biện pháp ứng phó phù hợp.

Trước đó, hệ thống giám sát dịch bệnh ghi nhận số ca mắc COVID-19 đang có xu hướng tăng. Trong giai đoạn từ tuần 16 đến tuần 20 (tức từ ngày 14-4 đến 18-5), trung bình mỗi tuần thành phố có 11 ca bệnh được báo cáo, tăng mạnh so với 15 tuần đầu năm chỉ ghi nhận 1-2 ca mỗi tuần.

Riêng tuần 20, TP HCM ghi nhận 26 ca, tăng 16 ca so với mức trung bình 4 tuần trước đó. Tính từ đầu năm đến ngày 18-5-2025, TP HCM có tổng cộng 79 ca COVID-19, giảm 75,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có 43 ca điều trị nội trú, 36 ca điều trị ngoại trú và không có ca bệnh nặng cần hỗ trợ hô hấp.

Các chuyên gia nhận định, sự gia tăng số ca bệnh trong những tuần gần đây có thể liên quan đến sự xuất hiện của biến thể NB.1.8.1, tương tự xu hướng tại nhiều quốc gia.

Sở Y tế TP HCM khuyến cáo người dân không hoang mang nhưng cũng không chủ quan, cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Cụ thể:

1. Đeo khẩu trang nơi công cộng, phương tiện giao thông công cộng và cơ sở y tế.

2. Hạn chế tụ tập đông người khi không cần thiết.

3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

4. Tăng cường vận động, dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức đề kháng.

5. Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở… cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra, theo dõi.

Đối với người dân đi đến hoặc trở về từ các quốc gia có số ca COVID-19 cao nên chủ động theo dõi sức khỏe và khai báo y tế nếu cần thiết để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

Trước đó, báo Dân trí ngày 20/05/2025 cũng có bài đăng với thông tin: "Người mắc Covid-19 có cần cách ly y tế?". Nội dung được báo đưa như sau:

Covid-19 không biến mất, trở thành bệnh lưu hành

Hiện nay trên thế giới đã ghi nhận số ca mắc Covid-19 gia tăng tại một số quốc gia như Brazil, Anh, Thái Lan...

Từ đầu năm đến nay, nước ta cũng ghi nhận rải rác 148 trường hợp mắc tại 27 tỉnh, thành phố và không có ca tử vong. Nước ta không ghi nhận các ổ dịch tập trung, nhưng có sự gia tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây, trung bình với 20 ca mắc/tuần.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết, hiện nay Covid-19 là bệnh lưu hành, được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B. Bệnh không mất đi vì thế sẽ có lúc tăng lúc giảm số ca mắc, thậm chí có tính chất chu kỳ như cúm.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế (Ảnh: N.).

"Người dân không nên quá lo lắng về các ca Covid-19 hiện nay. Dịch vẫn tồn tại trong cộng đồng với các ca bệnh rải rác, nhưng chưa ghi nhận trường hợp nặng hay tử vong.

Biến thể đang lưu hành vẫn là chủng nhẹ của Omicron. Dù vậy, nhóm nguy cơ cao như người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai… khi mắc bệnh vẫn có thể chuyển nặng, phải nhập viện", TS Phu phân tích.

Vì thế, những người có triệu chứng nghi ngờ và những người tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ phải đeo khẩu trang. Đồng thời, thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay…

"Người dân không quá lo lắng nhưng cũng không được chủ quan. Chúng ta không thể loại trừ khả năng Covid-19 có diễn biến bất ngờ. Vì thế, các cơ sở y tế cần có sự chuẩn bị để nếu không may có bất ngờ thì chúng ta có đủ giường bệnh, cơ sở cách ly để dịch không bùng phát mạnh, không nhiễm khuẩn chéo dẫn đến tử vong như trước đây", TS Phu nhấn mạnh.

Bộ Y tế vẫn tiếp tục theo dõi diễn biến của bệnh, để từ đó đưa ra các khuyến cáo kịp thời nếu xuất hiện biến thể mới lây lan nhanh, gây bệnh nặng.

Theo ông, trong phòng chống bệnh truyền nhiễm, các ca mắc Covid-19 được xử lý như các cúm mùa.

Hướng dẫn giám sát, phòng chống Covid-19

Theo hướng dẫn giám sát và phòng chống Covid-19, người được xác định mắc Covid-19 có thể điều trị ngoại trú hoặc được thu dung, quản lý điều trị tại cơ sở y tế theo quy định của Bộ Y tế.

Khi điều trị ngoại trú, người bệnh phải đeo khẩu trang, nên tự cách ly tại nơi lưu trú ít nhất 5 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên hoặc từ khi có kết quả xét nghiệm dương tính và nên đeo khẩu trang hết ngày thứ 10 để tránh lây nhiễm cho người khác.

Nếu cần rời khỏi nơi lưu trú cần tuân thủ đeo khẩu trang, thường xuyên khử khuẩn tay, hạn chế tiếp xúc với người khác.

Người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với người bệnh phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh; hạn chế tiếp xúc với người bệnh.

Bên cạnh đó, thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; vệ sinh khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, các thiết bị cầm tay, bồn cầu, bồn rửa... hàng ngày và khi dây bẩn; giữ thông thoáng, vệ sinh nơi lưu trú.

Covid-19 lây trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp (qua giọt bắn là chủ yếu) và qua bàn tay tiếp xúc với các vật dụng, bề mặt bị nhiễm virus rồi đưa lên mắt, mũi, miệng. Bệnh cũng có khả năng lây truyền qua hạt khí dung ở trong những không gian kín, đông người và thông gió hạn chế hoặc nơi có nhiều thao tác tạo khí dung như trong các cơ sở điều trị.

Người mắc Covid-19 có biểu hiện lâm sàng đa dạng, có thể không có triệu chứng, có triệu chứng nhẹ hoặc có biểu hiện bệnh lý nặng như viêm phổi nặng, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), nhiễm khuẩn huyết, suy chức năng đa cơ quan và tử vong.

Nhóm nguy cơ mắc bệnh nặng bao gồm người cao tuổi, người có bệnh nền nặng như tiểu đường/tim mạch, những người có bệnh lý suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai.

Bài viết cùng danh mục

Bài viết mới