Vạch mắt võng ở làn rẽ phải, gặp đèn đỏ được đi hay dừng?
Ngày 04/07/2024 Vietnamnet đưa tin "Vạch mắt võng ở làn rẽ phải, gặp đèn đỏ ô tô được đi hay dừng?" với nội dung chính như sau:
Hỏi: Tại một ngã tư, làn rẽ phải có mũi tên trên mặt đường, đồng thời có kẻ vạch mắt võng màu vàng. Theo tôi hiểu lúc này tài xế không được dừng xe trong phạm vi có vạch mắt võng để tránh ùn tắc giao thông.
Tuy nhiên, tôi đi xe vào khu vực đó lúc đèn đỏ mà ngã tư không có biển báo cho phép “đèn đỏ được phép rẽ phải”, trong trường hợp này, nếu dừng lại liệu tôi có đỗ sai quy định mà đi tiếp (rẽ phải) thì có được phép hay không? Xin hỏi: Tôi phải xử lý như thế nào cho đúng luật?
Trần Phi Trường ( Ba Vì, Hà Nội)
Trả lời nội dung này, Luật sư Nguyễn Văn Điện (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về biển báo hiệu đường bộ quy định, vạch kẻ “kiểu mắt võng” là một trong những hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ, được dùng để báo cho người điều khiển phương tiện giao thông không được dừng trong phạm vi phần mặt đường có bố trí vạch mắt võng nhằm tránh ùn tắc giao thông.
Ngã tư có vạch mắt võng màu vàng nhưng lại không có biển tín hiệu cho phép rẽ phải khiến nhiều lái xe lúng túng không biết xử lý ra sao. Ảnh: Tư liệu
Trên thực tế, tại các khu vực ngã tư, đường vòng cua có vạch kẻ kiểu mắt võng, chúng ta có thể gặp những trường hợp sau:
Trường hợp 1: Vạch kẻ kiểu mắt võng không có mũi tên chỉ hướng, khi gặp vạch này, nếu đèn tín hiệu đi thẳng qua vạch sẽ không bị coi là vi phạm. Nếu gặp đèn đỏ mà không có bất kỳ biển phụ nào khác thì bị xem là vi phạm lỗi không tuân thủ hiệu lệnh vạch kẻ đường.
Trường hợp 2: Vạch kẻ kiểu mắt võng có mũi tên xác định hướng phải đi thì người điều khiển phương tiện phải đi theo hướng của mũi tên được phép đi qua. Khi đó sẽ không bị coi là vi phạm lỗi không tuân thủ hiệu lệnh vạch kẻ đường.
Như vậy, khi tham gia giao thông, gặp vạch kẻ kiểu mắc võng độc lập thì buộc phải tuân thủ theo ý nghĩa của vạch này. Trường hợp vạch kẻ mắc võng kết hợp với đèn tín hiệu, mũi tên, hiệu lệnh của người điều khiển giao thông thì phải tuân thủ hiệu lệnh, chỉ dẫn này.
Cụ thể, vạch mắt võng có kèm theo mũi tên rẽ phải, đồng nghĩa với việc phần đường đó được dành cho các phương tiện giao thông rẽ phải, nếu xe đi thẳng dù đèn tín hiệu giao thông là xanh hay đỏ thì đều vi phạm quy định của luật giao thông đường bộ.
Trong trường hợp lái xe không tuân thủ chỉ dẫn tại phần đường có vạch kẻ mắt võng sẽ vi phạm lỗi và bị xử phạt.
Nghị định 100 quy định, đối với tài xế ô tô bị phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng nếu gây tai nạn giao thông;
Đối với người điều khiển xe máy, mức phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng nếu gây tai nạn giao thông;
Đối với xe đạp, mức phạt tiền từ 80.000 - 100.000 đồng.
Ngày 12/03/2024 Dân Trí cũng đưa tin với tiêu đề "Vạch mắt võng ở làn rẽ phải, có đèn đỏ - được phép đi hay phải dừng lại?". Nội dung như sau:
Gần đây tôi gặp một tình huống giao thông mà thấy đi tiếp hay dừng lại đều có thể sai. Xin được nêu lên đây để mọi người cùng thảo luận và tư vấn.
Tại làn rẽ phải, có vạch mắt võng, không có biển đèn đỏ được rẽ phải, khi gặp đèn đỏ thì tài xế cần xử lý như nào (Ảnh minh họa: VTC).
Cụ thể tại một ngã tư, làn rẽ phải có mũi tên trên mặt đường, đồng thời có kẻ vạch mắt võng màu vàng. Tôi hiểu rằng khi đó tài xế không được dừng xe trong phạm vi có vạch mắt võng, có thể để tránh ùn tắc giao thông.
Tuy nhiên, tôi đi xe vào khu vực đó lúc đèn đỏ, cũng không có biển phụ "đèn đỏ được phép rẽ phải", không có biển phụ cho phép rẽ. Lúc này, tôi hiểu rằng phương tiện của mình phải dừng lại trước vạch đèn đỏ.
Phải chăng 2 yêu cầu trên là mâu thuẫn với nhau, dừng cũng vi phạm mà đi cũng vi phạm? Trong tình huống này, tài xế cần xử lý sao cho đúng luật?